Câu hỏi
Bác sĩ cho cháu hỏi là cháu năm nay 19 tuổi.Kinh nguyệt của cháu rất thất thường 2-3 tháng mới có kinh 1 lần thậm chí kéo dài đến 6 tháng mới có.Như vậy là có bệnh không và đó là bệnh gì ạ?
Bác sĩ tư vấn
BS. Nguyễn Lan
Bạn Thanh Hương thân mến, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trân trọng cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho Bệnh viện.Với câu hỏi của bạn, bác sỹ tư vấn như sau: Hiện tượng kinh nguyệt không đều như bạn có thể gặp ở phụ nữ mọi lứa tuổi: trong độ tuổi sinh sản, tuổi tiền mãn kinh hay ở các bạn nữ vừa xuất hiện kinh nguyệt. Những nguyên nhân có thể gây ra có thể là: - Lối sống sinh hoạt hàng ngày không ổn định: thức quá khuya, thiếu ngủ, yếu tố gây stress gây căng thẳng, lo âu… hay có sự thay đổi môi trường sống cũng có thể khiến kỳ kinh nguyệt không đều hoặc có những tháng bị chậm kinh. - Viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục, mắc các bệnh phụ khoa: viêm âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng… làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí vô kinh. - Hoạt động thể lực quá sức: lao động nặng, luyện tập thể thao chuyên nghiệp (vận động viên), đòi hỏi làm việc với cường độ cao, tiêu hao năng lượng quá nhiều, tụt cân nhanh cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. - Sử dụng thuốc trong điều trị bệnh lý (huyết áp, tiểu đường, tim mạch…) một số loại thuốc hormone nếu dùng không đúng sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt . - Sử dụng chất kích thích: uống quá nhiều rượu cũng có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất và rối loạn nội tiết, làm chu kì kinh nguyệt không đều, hoặc là biến mất. - Một số bệnh: như nhiễm khuẩn sau sinh, sau nạo thai, đa nang buồng trứng, polyp tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…cũng dẫn đến kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt không nhất thiết phải thật đều thì mới có rụng trứng. Vì chu kỳ kinh thường thay đổi tuỳ thuộc vào tình trạng thể chất, trạng thái tâm lý, điều kiện môi trường.....Đôi khi chu kỳ kinh thay đổi từ vài ngày đến vài tuần nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ và khả năng sinh sản cả. Trường hợp của bạn, theo tôi, bạn nên đến Bệnh viện gặp Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa để được thăm khám, tư vấn và có thể làm một số xét nghiệm cận lâm sàng nếu cần (siêu âm phần phụ, xét nghiệm hormon sinh dục, ...); từ đó, sẽ có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp cho bạn. Chúc bạn sức khỏe, hạnh phúc. Bác sỹ Nguyễn Thị Lan.