Câu hỏi
bsi tư vấn giúp e nên điều trị và chăm sóc cháu bé sau khi xét nghiệm phân có kết quả: vi khuẩn gram âm: 30% - giảm; vi khuẩn gram dương: 70% - tăng; kết luận: loạn khuẩn vừa; tìm cặn dư trong phân: tinh bột (+)
Bác sĩ tư vấn

BS. icnm
Kính gửi chị Linh,Hệ vi khuẩn ở đường ruột bao gồm vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Trong đó, vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế so với vi khuẩn có hại (chỉ chiếm 15%). Cân bằng vi khuẩn có thể bị phá vỡ do sự đột nhập của vi khuẩn gây bệnh tạo nên loạn khuẩn ruột. Với mức độ loạn khuẩn ruột vừa tương đương với loạn khuẩn mức độ trung bình. Để điều trị, bé cần được bổ sung men vi sinh có các vi khuẩn có lợi để cân bằng lại. Chị có thể sử dụng một trong các loại men vi sinh sau: lactomin, enterogemina, lacteol,... thời gian từ 7- 14 ngày. Tùy thuộc vào lứa tuổi và cân nặng của bé, bác sỹ sẽ kê đơn liều thuốc thích hợp nhé. Ngoài ra, trong phân của bé có tinh bột (+) nên bé cần được bổ sung thêm men tiêu hóa tinh bột là men amylase, chế phẩm thuốc thường dùng là neopeptin. Bên cạnh đó, bé cũng cần được bổ sung thêm kẽm để giúp phục hồi niêm mạc ruột. Về chế độ dinh dưỡng, do lúc này hệ tiêu hóa của bé rất yếu, niêm mạc ruột đã bị tổn thương do đi ngoài nhiều lần, vì vậy chị cần cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp... nấu loãng. Chị chưa nên cho bé ăn các thức ăn tanh, lạnh và nhiều chất như cua, cá hay lòng đỏ trứng gà khiến bé khó hấp thu và có thể làm tình trạng tiêu chảy tồi tệ hơn. Sau khi bé không đi ngoài nữa, chị có thể cho bé ăn uống bình thường, không nên kiêng quá mức vì có thể làm bé bị suy dinh dưỡng. Chị có thể bổ sung thêm nước oresol hoặc nước muối đường. Ngoài ra, trong quá trình chế biến thức ăn cho bé, chị cũng nên lưu ý bảo đảm vệ sinh. Kính chúc chị và gia đình mạnh khỏe. Bác sỹ Hoàng Thị Năng