Câu hỏi
Chào bác sĩ ạ! Em muốn nghe tư vấn về kết quả xét nghiệm Cardiolipin ạ. Em được chỉ định làm xét nghiệm này vì tiền sử sảy thai liên tiếp. Cụ thể em bị sảy thai liên tiếp 3 lần và chưa có lần nào mang thai thành công. Về kết quả xét nghiệm như sau ạ: Cardiolipin IgG là 6.6 U/ml Cardiolipin IgM là 14.1 U/ml. Em mong nhận được tư vấn của các bác sĩ ạ. Em xin cảm ơn!
Bác sĩ tư vấn
BS. BS Nguyen Thanh
Chị Hà Anh thân mến, Anti Cardiolipin là một trong những kháng thể cơ bản nhất của hội chứng kháng Phospholipid (anti cardiolipin, anti phospholipid, anti beta 2 glycoprotein, kháng đông lupus LA). Đây là một bệnh lý có liên quan nhiều đến các bệnh tự miễn và chứng thuyên tắc mạch nên hiện nay, các nghiên cứu cho thấy hội chứng kháng phospholipid là một trong các nguyên nhân chính gây nên hiện tượng sảy thai, thai lưu, đẻ non, hội chứng tiền sản giật và sản giật. Sàng lọc hội chứng kháng Phospholipid ngày càng được phổ biến cho các bà mẹ có tiền sử thai sản khó khăn. Cho đến thời điểm này, việc chẩn đoán xác định hội chứng kháng Phospholipid còn có nhiều quan điểm khác nhau, quan điểm lớn là khi xét nghiệm có bất cứ kháng thể nào dương tính thì đều được cho là có hội chứng kháng Phospholipid, một quan điểm khác nữa là ngoài xét nghiệm cần có thêm các tiêu chuẩn về bệnh miễn dịch trên lâm sàng như tiền sử sảy thai, thai lưu liên tiếp, đang theo dõi chứng huyết khối,... Bên cạnh đó, có một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả như đang sử dụng thuốc, nhất là nhóm thuốc điều trị bệnh lý tâm thần kinh, kháng sinh,... Do đó lời khuyên cho các bệnh nhân là nên kiểm tra lại xét nghiệm sau ít nhất 12 tuần để xác định chẩn đoán, nên xét nghiệm khi đang có thai.Chị có tiền sử sảy thai liên tiếp 3 lần. Hiện kết quả xét nghiệm kháng thể anti cardiolipin IgM dương tính 8,4U/mL (> 7,4U/mL), anti cardiolipin IgG âm tính 6,6U/mL (< 10U/mL) thì nhiều khả năng chị mắc hội chứng này. Chị cần gặp bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa, chuyên ngành miễn dịch lâm sàng để được hỏi bệnh, thăm khám xác định chẩn đoán, sàng lọc tất cả các bệnh miễn dịch liên quan như bệnh lupus, bệnh xơ cứng bì... và có chế độ điều trị phù hợp. Thông thường phác đồ điều trị cơ bản là kết hợp giữa heparin trọng lượng phân tử thấp và aspirin liều thấp đường uống nhằm phòng tránh nguy cơ huyết khối cho thai. Chúc chị sớm có bé yêu. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh