Câu hỏi
Chào bác sỹ. Bác sỹ cho tôi hỏi là con trai Tôi bảy tuổi mới thay răng nhưng hiện tại thay ₫ến răng cửa thì tôi thầy răng cháu mọc chậm hơn tôi cho cháu đi nhổ ₫c hai tháng rồi mà răng chưa thấy mọc vậy cho tôi hỏi có sao ko ạ
Bác sĩ tư vấn

BS. Dương Thị Thuỷ
Bạn Lan thân mến,Cảm ơn bạn đã quan tâm và tin tưởng dịch vụ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Thông thường quá trình thay răng ở trẻ sẽ diễn ra từ 6 – 12 tuổi, cũng có những trường hợp thay răng sớm khi trẻ còn 4 tuổi hoặc ngược lại là muộn khi trẻ 8 tuổi. Và chiếc răng sữa cuối cùng sẽ rụng khi trẻ 12 hay 13 tuổi. Hàm răng của trẻ được coi là phát triển bình thường khi thứ tự của các răng vĩnh viễn sẽ mọc tương tự như răng sữa, nghĩa là chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Vì thế, các ông bố bà mẹ có thể đoán được thứ tự rụng của những chiếc răng sữa này, đồng thời biết được thứ tự của những chiếc răng vĩnh viễn sẽ mọc lên. Tuy nhiên, thứ tự thay răng của hàm trên sẽ khác một chút so với hàm dưới. Nếu như thứ tự phổ biến của hàm trên là: răng cửa giữa, răng cửa bên rồi đến răng tiền cối, răng nanh và các răng cối lớn thì đối với hàm dưới sẽ là: răng cửa giữa, răng cửa bên, răng nanh, răng tiền cối và cuối cùng là các răng cối. Thời gian thay răng diễn ra ngắn hay dài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: đặc điểm của từng loại răng và vị trí của răng – ví dụ, răng một chân thì thời gian thay răng sẽ chỉ diễn ra trong vài tuần nhưng đối với răng nhiều chân như răng cối thì đòi hỏi thời gian lâu hơn, có thể từ 1 – 2 tháng. Cũng như, các răng được mọc trong điều kiện thoải mái thì thời gian thay răng sẽ ngắn hơn so với những chiếc răng bị kẹt trong khe hay bị chèn ép bởi các răng khác. Ngoài ra, một số thói quen xấu của trẻ cũng góp phần ảnh hưởng đến thời gian thay răng. Ví dụ như khi những chiếc răng sữa rụng đi, trẻ sẽ thấy miệng mình có khoảng trống và thường đưa tay vào miệng hay dùng lưỡi để tác động vào đó. Việc tác động này còn có thể gây ra viêm nhiễm nên các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở để trẻ bỏ dần những thói quen xấu này. Khi trẻ nhổ răng sữa rồi mà từ 6 tháng đến 1 năm sau vẫn không mọc răng vĩnh viễn, có thể do một số nguyên nhân như: bị răng ngầm (răng dư) chặn hướng răng vĩnh viễn đi xuống; răng mọc lạc chỗ hoặc sau một chấn thương như té, tai nạn... làm ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn. khi đó bạn nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa răng hàm mặt, chụp răng để đánh giá. Chúc gia đình sức khỏe, Bác sỹ Dương Thị Thủy.