Câu hỏi
Chào các bác sĩ, bé nhà em được 5 tuần rồi mà mẹ bé chưa đủ sữa cho bé bú, không biết có phải ít sữa không mà thấy bé bú được 1 chút ko thấy sữa là khóc. Vợ em có dùng máy hút sữa và ti giả để cho bé bú, các bác cho em hỏi cách kích sữa hiệu quả nhất ạ. Em nghe nói hết tháng thứ sáu là kháng thể trong sữa mẹ sẽ ít hơn có đúng hay không ạ. Em xin cảm ơn
Bác sĩ tư vấn
BS. Trần Thị Kim Ngọc
Chào anh Bắc.Cảm ơn anh đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của MEDLATEC. Việc có ít sữa sau sinh, sữa mẹ không đủ cho con bú luôn là nỗi lo của nhiều bà mẹ. Để có thể đáp ứng nhu cầu sữa cho con, các bà mẹ nên hiểu 1 số nguyên tắc sau: 1- Cho con bú 20 phút mỗi bên. Khi sữa mẹ đã bắt đầu ổn định, mỗi khi sữa về sẽ hình thành 2 loại sữa, gọi là fore milk (sữa đầu) và hind milk (sữa béo). Sữa đầu thường trong, loãng như nước, khi bé bú có thể bắn thành tia nếu mẹ nhiều sữa. Sữa béo thường đặc, béo, chứa đạm, là nguồn dinh dưỡng giúp bé phát triển và no lâu, và chỉ chảy ra từng giọt trắng đục vào lúc cuối cùng. Vì vậy mẹ nên cho con bú ít nhất 20 phút mỗi bên, để đảm bảo bé bú được đến sữa béo. Nếu mẹ cho bé kết thúc quá sớm, con sẽ chỉ bú được nguồn sữa đầu sẽ không đủ no (bé ngủ chập chờn, hay hờn khóc), chậm tăng cân, dễ bị colic (vì bụng toàn nước chứ ko có chất đạm). Không nên cho con ngậm ti quá lâu, mẹ sẽ bị nứt đầu ti vô cùng đau. 2- Để con ăn hết sạch 1 bên đã rồi mới chuyển sang bên kia, thì đến những lần sau, sữa sẽ sản xuất ra nhiều hơn. Nếu con không ăn hết, mẹ nên vắt ra để dành. Nếu mỗi lần bú mà sạch sẽ được cả 2 bên, đảm bảo nguồn sữa mẹ sẽ được tái sản xuất nhanh và nhiều hơn rất nhiều. Nếu con không ăn hết được cả 2 bên ngực trong 1 lần, thì nếu lần này bú ngực trái trước, và bú khoảng nửa ngực phải là đã no. Thì đến lần bú sau phải bú ngực phải trước, rồi mới chuyển sang trái. 3 tiếng cho bú 1 lần (áp dụng cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng). Kể cả con ngủ say hơn 3 tiếng, cũng cần thiết phải cho con bú hoặc hút sữa ra để đảm bảo nguồn sữa mẹ được sản xuất dồi dào hơn. Nếu bú ít hơn 3 tiếng/lần (có bé háu ăn hoặc ít ngủ, 1, 2 tiếng đã đòi ăn rồi) mẹ sẽ khá mệt nhưng nếu không có sự lựa chọn vẫn nên làm. 3- Hơn 90% các mẹ mình biết sử dụng máy hút sữa đều nhiều sữa và có lượng sữa ổn định. Đặc biệt là trong những ngày đầu mới cho con bú, bé có thể chưa quen với quy luật 3 tiếng 1 lần, có nhiều bé ngủ li bì thì mẹ có thể hút sữa ra để dành cho con. Ngoài ra mỗi ngày hút ít nhất 1 bình cho bé tập bú bình song song với ti mẹ cũng rất có ích, vì nếu mẹ có việc phải đi đâu vắng, thì người khác cũng có thể cho bé ăn bằng bình, mà bé vẫn được ăn sữa mẹ đều đặn. Vắt/Hút sữa là một kỹ năng cần học hỏi, không tự nhiên có thể vắt/hút được hiệu quả, vì nó không đúng với sinh lý bình thường. Vì là kỹ năng cần học hỏi, nên mẹ đừng nản chí khi mới tập vắt hay hút sữa. Ban đầu có thể được rất ít, nhưng theo thời gian, chừng 1-2 tuần, mẹ sẽ quen, sẽ thành thạo hơn, sẽ vắt/hút được nhiều hơn Khi bé bú mẹ trực tiếp, miệng và lưỡi bé tiếp xúc trực tiếp ti mẹ, kích thích quầng vú và đầu ti mẹ -> Não bộ tiết ra oxytocin -> các nang sữa co thắt đồng loạt -> sữa được phóng ra đồng loạt ở các nang sữa -> tạo phản xạ xuống sữa. Cảm giác của mẹ lúc này: tê tê châm chít ở ngực 2 ngực, hoặc chảy sữa. NHỮNG YẾU TỐ ỨC CHẾ PHẢN XẠ XUỐNG SỮA: - Stress: thường gặp trong những lần đầu tập vắt/hút sữa, khi mẹ có chuyện buồn trong gia đình - Áp lực về thời gian: đi làm không có nhiều thời gian hút sữa - Áp lực từ những người xung quanh: ông bà, hàng xóm nhìn nhận việc hút sữa là không nên làm - Áp lực chăm con, không có người phụ giúp MÔI TRƯỜNG GIÚP KÍCH THÍCH PHẢN XẠ XUỐNG SỮA : - Hút sữa ở nơi quen thuộc, ngồi thoải mái, một số mẹ có thể hút ở tư thế nằm cũng khá thoải mái. - Hạn chế sự gián đoạn trong khi hút sữa: nhờ người nhà hỗ trợ trông coi bé,... Nếu là ở cơ quan, kiếm một phòng kín hay 1 góc kín, xoay mặt vào trong, dùng áo choàng cho con bú trùm lên người. Dĩ nhiên chỉ hạn chế ở mức có thể, nhiều mẹ không có người giúp, vừa hút sữa vừa trông con thì cũng phải chấp nhận. - Không nhìn chằm chằm vào cái máy hút sữa để xem sữa có ra không, vì nhìn chằm chằm vào sẽ khiến mẹ stress áp lực, điều này ức chế sự xuống sữa - Trong khi hút sữa, hãy mở ti vi/điện thoại xem phim, xem hài, nghe nhạc... hãy thoải mái đầu óc - Có thể tự tạo một quy trình quen thuộc trước khi hút sữa, ví dụ ngồi nhắm mắt hít thở sâu tưởng tượng mình đang ở bãi biển hay một nơi có cảnh đẹp thật đẹp trong vài phút -> chườm ngực bằng khăn ấm -> massage ngực quầng vú đầu ti. - Để quần áo đã mặc của con kế bên, hay nhìn vào hình của bé, tưởng tượng bé đang bú trực tiếp, hay mở ghi âm giọng của bé. - Bé bú 1 bên, mẹ vắt hay hút bên còn lại song song - Trong quá trình vắt/hút sữa, nên dừng lại xen kẽ vài lần để massage KỸ THUẬT MASSAGE VÊ QUẦNG VÚ ĐẦU TI: Khi massage vê quầng vú đầu ti, mẹ không cần phải tuân theo 100% theo hướng dẫn. Mục đích của việc massage giúp mẹ thư giãn, sau đó là kích thích dây thần kinh quanh quầng vú và đầu ti. Cả quá trình massage vê quầng vú đầu ti cần khoảng 1-2 phút, tùy từng mẹ. Nếu mới 30 giây sữa đã xuống thì mẹ vắt hay hút luôn, không cần làm đủ thời gian đưa ra. Ưu tiên cho thời gian vê quầng vú và đầu ti nhiều hơn massage ngực, vì các dây thần kinh kích thích phản xạ xuống sữa nằm ở quanh quầng vú đầu ti. Có thể chỉ đơn giản là dùng 2 lòng bàn tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu ngực (khoảng 30 giây). Dùng 5 ngón tay chụm lại vê quầng vú đầu ti, lực vê không quá nhẹ, cũng không quá mạnh gây đau. Vê cho tới khi xuống sữa thì dừng, rồi thực hiên vắt tay hay hút máy. Không có phương pháp nào có thể rút sữa khỏi ngực mẹ một cách hiệu quả như việc bé bú trực tiếp. Lý do: miệng, lưỡi, hàm trên, hàm dưới của bé tạo ra cơ chế kích thích đầu ti - quầng vú, và tạo ra cơ chế nút, áp lực nút một cách tự nhiên mà việc dùng tay hay dùng máy không thể nào thay thế được Việc quan trọng không kém trong qua trình nuôi con, mẹ cần uống đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng 4 nhóm (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất), ngủ đủ giấc, tránh để stress. Chúc anh chị nuôi con mạnh khỏe! BS Trần Thị Kim Ngọc