Câu hỏi
Con tôi, hôm nay xét nghiệm kết luận là loạn khuẩn nặng do (vi khuẩn gram âm là: 20%, vi khuẩn gram dương là 80%), tìm cặn dư trong phân: tinh bột (+), độ PH của phân là 6,3 (tính kiềm). Lịch sử hồi dưới 1 tuổi cháu cũng đã bị loạn khuẩn nhẹ và vừa 2 lần. Đến giờ lại bị tái phát, mà mọi chế độ sinh hoat của cháu vẫn bình thường. Mong bác sỹ tư vấn cho cách điều trị và phòng bệnh với ạ. Chân thành cảm ơn !
Bác sĩ tư vấn
![Doctor Avatar](/_next/image?url=%2Favatar-default.png&w=128&q=75)
BS. BS Nguyễn Thị Châm
Kính gửi chị Lan Anh, Bình thường hệ tiêu hóa của trẻ có hệ thống vi khuẩn gọi là hệ vi khuẩn chí đường ruột. Các vi khuẩn này được chia làm 2 loại đó là loại vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Bình thường các loại vi khuẩn này luôn ở thế cân bằng, trẻ sẽ có đường ruột khoẻ mạnh, tiêu hoá hấp thu tốt. Nhưng vì một lý do nào đó như trẻ bị suy dinh dưỡng, ăn uống không hợp lý, dùng thuốc kéo dài hoặc dùng kháng sinh, khi thay đổi thời tiết… có thể gây nên rối loạn hệ vi khuẩn chí gọi là loạn khuẩn đường ruột. Điều trị : không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, tất cả mọi trường hợp tiêu chảy cần được khám bác sỹ chuyên khoa. Trường hợp trẻ bị loạn khuẩn, bác sỹ có thể kê đơn cho trẻ uống men tiêu hóa (thành phần là các probiotic và prebiotic). Chăm sóc trẻ tiêu chảy cần chú ý bù đủ nước và điện giải cho trẻ khi trẻ bị tiêu chảy để tránh mất nước. Ngoài ra, các bà mẹ có thể hỗ trợ quá trình ổn định hệ thống vi khuẩn ở đường ruột của trẻ bằng các chế phẩm vi sinh như sau (nên tham khảo ý kiến bác sỹ điều trị cho bé):- Lacteol ngày uống 2 gói chia 2 lần, mỗi lần 1 gói, uống 7 ngày. - Zinckid ngày uống 2 gói chia 2 lần, mỗi lần 1 gói, uống 10 ngày. Phòng bệnh : tùy nguyên nhân gây loạn khuẩn mà có cách phòng bệnh khác nhau. Để hạn chế tác dụng không mong muốn của kháng sinh nói chung và loạn khuẩn ruột do kháng sinh gây ra nói riêng, trước hết các bà mẹ cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc điều trị cho con. Khi bị loạn khuẩn mà vẫn phải sử dụng kháng sinh hoặc bị loạn khuẩn nặng thì phải điều trị hỗ trợ thêm các chế phẩm vi sinh có chứa probiotic và prebiotic có tác dụng cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, với trường hợp kết hợp với các chế phẩm vi sinh mà không có hiệu quả cần đưa bé tới gặp bác sĩ để thay thế bằng kháng sinh khác và được điều trị tiêu chảy kịp thời. Chế độ ăn của trẻ hết sức quan trọng : cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp với lứa tuổi trẻ, hợp khẩu vị trẻ. Khi thay đổi chế độ ăn của trẻ cần cho trẻ tập ăn từng ít một, không nên thay đổi chế độ ăn của trẻ khi trẻ đang mắc bệnh (cúm sốt, viêm họng, rối loạn tiêu hóa...) trừ khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Kính chúc chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc! BS Nguyễn Thị Châm