Câu hỏi
Em làm xét nghiệm nghiệm pháp dung nạp đường cách đây 1 tháng (thai 25 tuần) và kết quả không bị tiểu đường thai kỳ nhưng cân nặng lại tăng quá nhanh và bị phù chân nên hôm nay thực hiện lại nghiệm pháp này (29 tuần) thì các chỉ số vẫn nằm ở mức cho phép nhưng so với lần xét nghiệm trước thì tăng khá nhiều. Bác sĩ cho em hỏi liệu em có nguy cơ sẽ bị tiểu đường hay không và cần điều chỉnh chế độ ăn như thế nào ạ.
Bác sĩ tư vấn
BS. Nguyễn Thị Thu
Bạn Trang thân mến!Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới iCNM. 1. Vấn đề tăng cân cho phép khi mang thai. Mức tăng cân hợp lý khi mang thai phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng của từng bà bầu khác nhau, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người mẹ nào có mức tăng cân giống nhau hoàn toàn. Nhìn chung, mức tăng cân hợp lý cho thai phụ với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: • Đối với phụ nữ có mức cân nặng bình thường trước khi có thai: Sự tăng cân khi mang thai hợp lý nên duy trì 0,4 kg/tuần. • Đối với phụ nữ có cân nặng thấp hơn: Mức độ tăng cân cần duy trì 0,5 kg/tuần. • Đối với phụ nữ đã thừa cân trước đó: Mức tăng cân nên hạn chế, còn khoảng 0,3 kg/tuần. Trường hợp của bạn không rõ tăng bao nhiêu cân? Tuy nhiên tăng cân quá nhiều dễ dẫn đến nguy cơ thai phụ bị tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng tỷ lệ sinh non, sinh mổ. Do vậy bạn nên dựa vào bảng trên để đối chiếu cũng như điều chỉnh cân nặng cho phù hợp. 2. Vấn đề phù chân: Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở thai phụ, phù chân có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa từng mẹ bầu, nhưng phù chân tay khi mang thai tháng cuối sẽ phổ biến hơn trong thai kỳ do trọng lượng thai nhi ngày càng to, chiếm một thể tích lớn trong khoang bụng người mẹ, tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch dưới khiến máu khó lưu thông, gây phù nề. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể gặp do nguyên nhân bệnh lí đặc biệt bệnh lí tiền sản giật có thể nguy hiểm đến cả mẹ và thai. Do vậy để đảm bảo thai kỳ an toàn thì tốt nhất bạn nên khám trực tiếp kết hợp xét nghiệm để chẩn đoán. 3. Xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ( ĐTĐTK) cả 2 lần bạn kiểm tra đều bình thường>> Vậy đến thời điểm này bạn yên tâm là không mắc ĐTĐTK. Tuy nhiên kết quả lần sau có chỉ số đường đang ở giới hạn cao, kết hợp nếu đúng là bạn tăng cân nhiều thì nguy cơ của bạn càng cao. Do vậy cần điều chỉnh ăn uống và tập luyện: • Hạn chế tối đa đồ ngọt, giảm tinh bột, chia nhỏ bữa ăn. • Tăng cường tập luyện thể thao: đi bộ, bơi, yoga... • Tăng cường rau xanh, hoa quả, uống đủ nước hàng ngày. • Khám thai định kỳ hoặc khi có bất thường. Mọi chi tiết về dịch vụ cần được hỗ trợ thêm, đặt lịch khám tại bệnh viện hoặc đặt lịch xét nghiệm máu tại nhà bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC hoặc đặt lịch xét nghiệm tại nhà qua tính năng đặt lịch của ứng dụng iCNM. Tải app tại icnm.vn/app Địa chỉ: MEDLATEC Ba Đình: 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội. MEDLATEC Tây Hồ: 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội MEDLATEC Thanh Xuân: Số 5, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội MEDLATEC TP.HCM: 98 Thích Quảng Đức, Phường 5, Quận Phú Nhuận, TP.HCM Chúc bạn mạnh khỏe! Bác sĩ Nguyễn Thị Thu.