Câu hỏi
Tôi là nữ năm nay 38 tuổi, tiền sử rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ độ 2, chlolesterol cao. Huyết áp thường dao động trong khoảng 12-13. Gần đây do dịch tôi không thể đi khám tôi thương xuyên có cảm giác tim đập nhanh, trống ngực, thở hơi gắng sức, làm việc cần cúi người xuống thấp sẽ thấy mệt thở hổn hển, tôi thường lấy tay vuốt ngực sẽ cảm thấy dễ thở dễ chịu hơn. Xin hỏi tôi có bị biến chứng chuyển sang tim mạch hay ko? có thể dùng thuốc gì để ngăn nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu tim ạ? tôi có dùng thuốc cholesterol aid ngày 2 viên nhưng tôi cảm giác không có hiệu quả lắm. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.
Bác sĩ tư vấn
BS. Nguyễn Hữu Trung
Chào Chị! - Rối loạn lipid máu làm xơ vữa mạch máu ( tăng nguy thiếu máu cơ tim,cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu não). Các triệu chứng điển hình của thiếu máu cơ tim là: Mệt hoặc đau thắt ngực như dao đâm, như đè nặng, bó chặt sau xương ức hoặc ngực trái khi gắng sức, khi lo lắng, Giảm triệu chứng khi nghỉ ngơi, hoặc dùng thuốc nitrat ngậm dưới lưỡi. Các triệu chứng của chị thì không điển hình, để chẩn đoán, cần đo điện tim, siêu âm tim, (các xét nghiệm khác như: điện tim gắng sức, chụp mạch vành khi BS nghi ngờ có bệnh thiếu máu cơ tim). - Việc dùng thuốc ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim còn tùy thuộc vào mức độ nguy cơ tim mạch cao hay thấp mà có lựa chọn khác nhau bao gồm: ăn uống tiết chế, vận động, thuốc hạ mỡ máu, asprin. - Thuốc cholesterol aid là thực phẩm chức năng, chưa được khuyến cáo của các hiệp hội tim mạch trên thế giới cũng như không có nghiên cứu chứng minh hiệu quả giảm rối loạn lipid máu nên chị cũng cân nhắc không cần uống. - Để điều trị rối loạn lipid máu, chị cần: + Thời gian tập luyện - vận động thể lực khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần + Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì. + Hạn chế mỡ chứa nhiều acid béo bão hòa như mỡ trong thịt heo, thịt bò, thịt cừu…, giảm cholesterol có trong lòng đỏ trứng, bơ, tôm… Tăng lượng acid béo không bão hòa có trong các loại thực vật như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp, trong mỡ cá… + Khẩu phần ăn có sự cân đối giữa glucid, lipid và protid. Tránh dùng nhiều glucid (năng lượng do glucid cung cấp khoảng 50% năng lượng của phần ăn, lipid khoảng 30% và protid khoảng 20%). + Hạn chế bia - rượu, bỏ thuốc lá nếu đang hút. + Bổ sung chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ các loại rau, củ và hoa quả. + Giảm lượng muối ăn vào (không quá 5 g mỗi ngày tương đương khoảng 1 thìa cà phê muối Cuối cùng, Chị nên đến BV để được xét nghiệm lipid máu, kiểm tra các vấn đề tim mạch, BS sẽ tính nguy cơ tim mạch cho chị, sau đó quyết định có cần thuốc hạ lipid máu hoặc thuốc dự phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay không. Hy vọng thông tin trên sẽ giúp ích cho chị. Chúc chị sức khỏe!