Câu hỏi
Xin chào bác sĩ bé nhà em được 13 tháng và cháu chưa biết đi,cháu bò và vịn đi men,nhưng khoảng một tuần trở lại đây cháu không chịu vịn đi men nữa,bắt bé đứng vịn thì bé không chịu,co chân lên,ưỡn người và khóc rồi ngồi bệt xuống ngay.En thấy lo quá,sau 2 lần đứng vịn bị ngã thì bé tự dưng bị thế,không biết là làm sao,bây giờ em phải tập cho bé như thế nào để bé chịu đi,rất mong lời khuyên từ bác sĩ.
Bác sĩ tư vấn
BS. BS Nguyễn Thị Châm
Bạn Nguyên An thân mến, Khả năng đi của em bé phụ thuộc và 2 yếu tố: - Thần kinh: trung ương (não bộ), thần kinh ngoại biên (hệ thần kinh vận động). - Cơ quan: hệ cơ xương khớp, dây chằng. Trước khi đi bé sẽ phải trải qua các giai đoạn lẫy, trườn, ngồi, bò, đứng, đi men. Em bé phải trải qua đầy đủ các giai đoạn vận động này thì hệ cơ xương khớp mới đủ phát triển để chuẩn bị cho giai đoạn tập đi. Nên bạn sẽ phải tập cho bé những bài tập vận động đó trước khi tập cho bé đi. Trẻ bắt đầu tập đi ở độ tuổi từ 12 tới 14 tháng. Nhưng cũng tùy vào thể trạng từng cháu mà thời gian này có thể xê dịch từ tháng thứ 10 tới tháng thứ 18. Nếu sau 20 tới 22 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa biết đi mới là việc cần lo lắng. Việc chậm biết đi của trẻ có thể do các cháu đã trải qua một thời gian bị ốm, dù chỉ là những căn bệnh ngắn ngày và không trầm trọng như viêm xoang, họng, đau tai… Những đứa trẻ quá béo thường biết đi chậm hơn các cháu khác một vài tuần hoặc một vài tháng. Với những đứa trẻ chưa biết đi sau tháng thứ 18 cần nghĩ đến dị tật ở đoạn xương chân nào đó, nhất là đoạn khớp với xương hông; bị chứng teo cơ bắp chân hoặc một số bệnh về cơ bắp khác, 1 số bệnh lý về tổn thương não hoặc phát triển não không cân bằng, thiếu chất (calci, vitamin D) cũng có thể là nguyên nhân chậm biết đi. Bố mẹ chỉ nên cho bé tập đi khi bé muốn và thấy rằng, bé đã thực sự sẵn sàng. Mà dấu hiệu sẵn sàng đó không phụ thuộc vào số tháng mà phụ thuộc vào cơ địa và sự phát triển nhanh chậm của trẻ. Ngoài ra, lúc tập cho bé đi cũng phải thực sự kiên nhẫn, không được lôi kéo bé quá mạnh tay. Bạn có thể khuyến khích bé tập đi: - Dìu, nâng đỡ bé đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình, dễ gây trật cổ tay hay xương vai bé. Bạn có thể quỳ gối trước mặt bé và đỡ bé bằng hai tay khi bé di chuyển trong nhà, khi bé đã đi thành thạo, bạn có thể dùng tay dắt bé đi. - Khi bạn thay quần áo cho bé, hãy để bé đứng. Bé đứng nhiều sẽ chắc khỏe cơ, xương chân, là tiền đề rất tốt để tập đi. - Nên lót sàn nhà bằng những miếng xốp, đệm để bước chân bé được vững hơn, không bị trơn trượt, đồng thời bảo vệ bé khi ngã. - Khi bé biết đứng vịn tay vào đồ vật, bạn có thể huấn luyện bé vịn tay vào ghế, thành giường và bước từng bước, di chuyển từ ghế này sang ghế khác. - Hạn chế bế bé, chỉ nên bế lúc cần thiết. Ngoài ra, bạn hãy để bé được tự do ngồi, nằm chơi. Những bé quen được bế bồng sẽ không thích tập đi nữa. - Đề phòng những vật cao: Không bao giờ được để bé một mình trên giường, bàn hay những đồ nội thất cao khác trong nhà. Nên sử dụng dây đeo an toàn khi bé ngồi trên xe đẩy hoặc ghế dành cho bé. Tránh cho bé chơi một mình ngoài balcon. Dùng những thanh chặn cầu thang, chặn cửa cũng là cách giữ an toàn cho bé. Ngoài ra bạn cũng nên kiểm tra cơ thể bé xem ở các lần ngã trước bé có bị tổn thương ở cơ quan vị trí nào hay không: ví dụ bị sai khớp, bầm tím...Nếu phát hiện có sự bất thường thì hãy đưa con đến cơ sở y tế để được chữa trị nhé! Chúc gia đình bạn hạnh phúc.Bác sĩ Nguyễn Thị Châm và Bác sĩ ngô Thị Cam