Câu hỏi
Chào bác sĩ! Em năm nay 24 tuổi, từng bóc tách nang buồng trứng vào 7/2015, sảy thai 5 tuần vào 7/2016, đốt điện CTC vào tháng 11/2016. 3 tháng gần đây e bị rối loạn kinh nguyệt, chu kì 14-15 ngày mặc dù trước đây rất đều đặn 30-31 ngày. Sau khi sạch kinh 1 tuần là em có kinh lại. E đã đi xét nghiệm nội tiết, kết quả định lượng LH: 1.3 mU/mL, FSH: 1.69 mU/mL. Bs kết luận nội tiết bình thường, phụ khoa bình thường. Nhưng tháng này e tiếp tục bị rối loạn kinh nguyệt như thế. Hiện tại e đang dùng tpcn Ova Q1. Bs cho hỏi e có thể bị mắc chứng bệnh gì ko và cách giải quyết ntn ạ? E cám ơn bs!
Bác sĩ tư vấn
BS. BS Nguyen Thanh
Kính chào chị Phương , Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC xin trân trọng cảm ơn chị đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của bệnh viện. Với câu hỏi của chị bác sỹ tư vấn như sau:Mấy tháng gần đây chị có hiện tượng kinh mau ( chu kỳ kinh dưới 20 ngày ) nên chị được bác sỹ chỉ định xét nghiệm định lượng hocmon FSH và LH là phù hợp. FSH và LH được gọi là hocmon hướng sinh dục, được chế tiết từ tuyến yên, nhịp điệu chế tiết theo xung, có sự phối hợp nhịp nhành để tạo ra các chu kỳ kinh nguyệt và gây rụng trứng ( phóng noãn thụ thai ). - FSH bình thường có giới hạn từ 3.5 - 12.5mU/mL tương ứng với giai đoạn thể nang và 1,7 đến 7,7mU/mL với giai đoạn hoàng thể ( sau khi rụng trứng ). Hocmon này được tiết ra từ tuyến yên, có tác dụng kích thích nang noãn phát triển. Nồng độ FSH của chị 1,69mU/mL là hơi thấp. - LH bình thường có giới hạn từ 2.4 - 12.6mU/mL với giai đoạn thể nang, sau đó tăng dần, tăng cao nhất tạo đỉnh rụng trứng và giảm dần ở giai đoạn hoàng thể từ 1 đến 11,4mU/mL. Nồng độ LH của chị 1,3mU/mL là hơi thấp. Kết hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm cho thấy chị đang có rối loạn kinh nguyệt, điều này có thể do hội chứng suy buồng trứng sớm, rối loạn hay suy giảm chức năng vùng dưới đồi, tuyến yên...Chị nên đi thăm khám chuyên khoa nội tiết sâu hơn và khám nội khoa tổng quát để sàng lọc một số bệnh lý có liên quan khác như : bệnh về tuyến giáp, bệnh về hệ thống miễn dịch, các bệnh lý ung thư, đang sử dụng thuốc an thần, hóa trị, xạ trị, hội chứng nhiễm trùng cấp... Có các trường hợp rối loạn kinh nguyệt khó mà cần được theo dõi thêm, thăm khám bởi nhiều chuyên gia và phải đổi phác đồ điều trị nhiều lần. Kính chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc Bs. Nguyễn Thị Thanh