Câu hỏi
Thưa bác sĩ cháu có tiền sử thai lưu lúc 7 tuần, bây h sau 3 tháng cháu muốn có thai lại thì cháu phải làm xét nghiệm nội tiết gồm những thành phần nào ạ? Và cháu có cần chụp tử cung vòi trứng k ạ?
Bác sĩ tư vấn
BS. BS Nguyen Thanh
Thân gửi Chị Thu Trang,Nguyên nhân dẫn đến thai lưu có rất nhiều, bao gồm: Về phía người mẹ - Mắc các bệnh lý mãn tính: Viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao, lupus ban đỏ hệ thống trong đó có hội chứng kháng phospho lipid. - Mắc các bệnh nội tiết: Basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận. - Nhiễm độc thai nghén từ thể nhẹ đến thể nặng đều có thể gây ra thai chết lưu. Tỷ lệ thai chết lưu càng cao khi nhiễm độc thai nghén càng nặng và không được điều trị hoặc được điều trị không đúng. Bệnh kéo dài nhiều ngày làm cho thai bị suy dinh dưỡng và chết. - Nhiễm các bệnh ký sinh trùng như sốt rét (đặc biệt là sốt rét ác tính), nhiễm vi khuẩn (giang mai ..), nhiễm virut (viêm gan, quai bị, cúm, …). - Mẹ có tử cung dị dạng, tử cung nhi tính hay tử cung kém phát triển làm cho thai bị nuôi dưỡng kém. - Ngoài ra, một số yếu tố khác như: Tuổi của mẹ cao, (tỷ lệ thai chết lưu tăng cao ở những người mẹ trên 40 tuổi cao gấp 5 lần so với nhóm những người mẹ dưới 40 tuổi), dinh dưỡng kém, lao động vất vả, đời sống khó khăn... cũng là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Những nguyên nhân xuất phát từ phía thai nhi như: - Rối loạn nhiễm sắc thể - đây là nguyên nhân chủ yếu của thai dưới ba tháng bị chết lưu. Tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể tăng lên rõ rệt theo tuổi của mẹ, đặc biệt là ở các bà mẹ trên 40 tuổi. - Thai dị dạng: Não úng thuỷ, vô sọ, phù rau thai. - Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con do yếu tố Rh và thai rất dễ bị chết lưu ở các lần có thai tiếp theo. - Thai già tháng: Bánh rau bị lão hoá, thai không thể lấy được không khí và dinh dưỡng từ người mẹ, nếu không được xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến việc thai bị chết lưu. - Đa thai: Thai có thể chết trong trường hợp truyền máu cho nhau, thai cho máu dễ bị chết lưu. Về phía thành phần phụ của thai nhi - Thai nhi có những bất thường ở dây rốn như: dây rốn thắt nút, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi, dây rốn xoắn, dây rốn bị chèn ép… - Những bất thường ở bánh rau như bánh rau bị xơ hoá, bị bong, u mạch máu màng đệm... - Bất thường ở nước ối: Đa ối cấp tính hay mãn tính, thiểu ối. Vấn đề bạn băn khoăn về xét nghiệm nội tiết sau khi có tình trạng thai lưu là cần thiết. Xét nghiệm nội tiết trong trường hợp này cần thiết nhất đó là: định lượng nồng độ hocmon dưỡng thai progesterone vào ngày thứ 21 chu kỳ kinh xem có bị thiếu hụt không vì sự thiếu hụt progesterone do hoàng thể thai nghén yếu cũng là một nguyên nhân dẫn đến thai lưu. Ngoài ra bạn cũng nên định lượng các hocmon khác như: prolactin, estradiol, LH và FSH vào ngày 2-3 chu kỳ; xét nghiệm tìm hội chứng kháng phospholipid, xét nghiệm nhóm máu vì đây cũng có thể l àmột trong các nguyên nhân gây thai lưu. Chụp XQ tử cung - vòi trứng hiện tại bạn chưa nên làm, trừ khi trên lâm sàng và siêu âm có nghi ngờ về bất thường buồng tử cung. Chúc bạn luôn mạnh khỏe. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh