Câu hỏi
Thưa bác sĩ, e có sử dụng thuốc kích trứng dạng tiêm là Menogon 75IU, tiêm hơn 10 mũi bắt đầu từ ngày kinh thứ 2 (15/2/2017) đến ngày thứ 16 (01/03/2017) thì trứng đạt. lúc này 2 bên buồng trứng có 7 nang, 1 nang to nhất là 21mm, 1 nang 16mm còn lại các nang 12,13,11 mm và e tiêm rụng vào tối hôm đó lúc 8h. ngày 03/3/2017, 10h tiến hành bơm. sau khi bơm được 10 ngày (13/3/2017) e có thử que và lên 2 vạch, vạch 2 mờ. đến ngày thứ 13 sau khi bơm (16/3/2017) e đi thử beta hcg thì kq của e là 165mIu/ml, có thai. Hôm qua ngày 20/3/2017 (17 ngày sau IUI), e có hiện tượng đau bụng dưới cả 2 bên, e có đi siêu âm được bác sĩ kết luận: - Buồng trứng phải: có các nang 37x42mm,16x27mm, 14x21mm-Bình thường - Buồng trứng trái: có các nang 35x38mm, 15x22mm-bình thường - Buồng tử cung có nốt trống âm 3mm - Niêm mạc Tc: 13mm - Douglas: có dịch 20mm. Bác sĩ kết luận: theo dõi thai trong buồng tử cung, theo dõi quá kích buồng trứng thể nhẹ Ngày 21/3/2017 (18 ngày sau IUI) e đi xét nghiệm beta hcg thì kq beta của e tăng: 597,2U/L Vậy bác sĩ cho e hỏi: 1) Thai của e đã vào tử cung và làm tổ chưa? 2) hiện tượng quá kích buồng trứng như vậy có ảnh hưởng gì đến thai không? Biện pháp điều trị như thế nào? 3) những trứng phát triển quá kích như vậy có rụng không? hay sẽ tự teo đi hay như thế nào? 4) Lượng beta của e tăng như vậy có phải là tăng chậm không? niêm mạc như vậy có mỏng k ạ?
Bác sĩ tư vấn
BS. Bs.Thân Ngọc Tuấn
Kính gửi chị Phượng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trân trọng cảm ơn chị đã đặt câu hỏi cho bệnh viện. Với câu hỏi của chị, bác sỹ tư vấn như sau: Hội chứng Quá kích buồng trứng (HC QKBT) là tình trạng đáp ứng quá mức với điều trị kích thích buồng trứng. QKBT thường xảy ra khi dùng gonadotropin ngoại sinh, hiếm khi gặp trong trường hợp dùng clomiphene citrate (CC) hoặc gonadotropin-releasing hormon (GnRH). Đặc điểm sinh lý bệnh đặc trưng của hội chứng này là tình trạng tăng tính thấm thành mạch, dẫn tới thoát dịch từ lòng mạch ra khoang thứ ba.QKBT là rối loạn có thể tự giới hạn, thường tự khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn, đặc biệt trong chu kỳ có thai. Hội chứng này có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể là triệu chứng nhẹ chỉ cần theo dõi sát tại nhà cho tới tình trạng nặng phải nhập viện và hồi sức. Với những thông tin chị cung cấp thì có thể thấy trường hợp của chị là buồng trứng đáp ứng kém sau khi tiêm thuốc kích trứng (FSH) cụ thể là menogon liều 75UI, tuy nhiên, bác sĩ dùng tới liều thứ 10 thì hai buồng trứng của chị lại đáp ứng và có nhiều trứng trội cùng lúc và có 1 trứng đạt kích thước mong muốn. Ngày thứ 13 sau IUI chị kiểm tra nồng độ beta-hCG đạt 165 UI/l là xác định chị đã có em bé, sau đó 5 ngày tức ngày 18 sau IUI chị kiểm tra lại beta-hCG đạt nồng độ 597.2 UI/L. Đồng thời siêu âm ngày 17 sau IUI chị có dịch cùng đồ 20mm, kết hợp hai bên buồng trứng có 5 nang trứng. Như vậy, bác sĩ trả lời cụ thể 4 câu hỏi của chị như sau: 1, Dựa trên kết quả siêu âm mô tả có hình ảnh nốt trống âm trong buồng tử cung 3mm, nhưng nồng độ beta-hCG tính theo lý thuyết ngày 17 chu kỳ của chị đạt cỡ khoảng 400-500 UI/l thì chưa thể khẳng định 100% nốt trống âm đó là phôi thai, vì thông thường với nồng độ beta-hCG như thế thì đã số là phôi thai chưa thể di chuyển về làm tổ tại buồng tử cung, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp phôi thai về làm tổ sớm, nhưng nhiều khi cũng có những hình ảnh giả âm. Do vậy, bác sĩ mới chỉ kết luận là theo dõi thai trong buồng tử cung. 2, Với trường hợp của chị về triệu chứng lâm sàng cũng chưa có biểu hiện rầm rộ của hội chứng quá kích buồng trứng. Chị mới có biểu hiện đau tức bụng dưới, kết hợp siêu âm có dịch cùng đồ 20mm, và có 5 nang trứng hai bên vậy là chị thuốc trường hợp HC quá kích nhẹ như bác sĩ đã chẩn đoán, và được gọi là quá kích muộn. Nếu chị có thể kết hợp làm thêm xét nghiệm máu cơ bản như tổng phân tích, chức năng gan, thận, protein, albumin...nữa thì sẽ đầy đủ hơn. Thông thường những trường hợp quá kích buồng trứng nhẹ thì không cần điều trị gì mà chỉ cần nghỉ ngơi theo dõi tại nhà và sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày hoặc kéo dài hơn một chút và nó cũng không ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của thai. Chị nên uống nhiều nước, hạn chế ăn các loại thức ăn nhiều đường, tinh bột mà nên ăn thực phẩm giàu đạm (thịt, cá..) nhiều rau, củ quả. 3, Trường hợp buồng trứng hai bên của chị còn 5 nang gọi là nang tồn dư. Thông thường nó vẫn sẽ tự rụng, tuy nhiên, sớm hay muộn phụ thuộc từng cơ thể mỗi người. Còn sau thời gian trên 3 tháng siêu âm vẫn không rụng thì có thể nó sẽ trở thành nang thực thể và tồn tại cùng với sự phát triển của thai. Nên chị sẽ cần theo dõi định kỳ cùng với khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 4, Lượng beta-hCG ngày 18 sau IUI so với ngày 13 như vậy là bình thường, đồng thời niêm mạc tử cung ở mức trung bình. Chắc chắn bác sĩ làm IUI cho chị cũng đã kê thuốc bổ sung nội tiết tố và hỗ trợ niêm mạc tử cung sau IUI cho chị. Tóm lại trường hợp của chị vẫn cần theo dõi sự phát triển và làm tổ của phôi thai bằng xét nghiệm nội tiết tố progesteron, beta-hCG kết hợp với siêu âm đầu dò. Kính chúc chị có một thai kỳ khỏe mạnh, Bác sỹ Thân Ngọc Tuấn