Câu hỏi
Vợ ,chồng tôi làm TTON.khi kích trứng vợ tôi bị quá kích buồng trứng,sau trọc hút trứng 9 ngày vợ tôi vẫn bị đau bụng căng tức,và bị dát ở vùng dưới (phôi đã đông lạnh) .xin bác sỹ cho tôi biết vợ tôi có bị vấn đề gì nghiêm trọng không.mong bác sỹ trả lời sớm giúp tôi.xin chân thành cảm ơn.
Bác sĩ tư vấn
BS. Bs.Thân Ngọc Tuấn
Kính gửi anh Khẩn, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trân trọng cảm ơn anh đã đặt câu hỏi cho bệnh viện. Với câu hỏi của chị, bác sỹ tư vấn như sau:Hội chứng Quá kích buồng trứng (HC QKBT) là tình trạng đáp ứng quá mức với điều trị kích thích buồng trứng. QKBT thường xảy ra khi dùng gonadotropin ngoại sinh, hiếm khi gặp trong trường hợp dùng clomiphene citrate (CC) hoặc gonadotropin-releasing hormon (GnRH). Đặc điểm sinh lý bệnh đặc trưng của hội chứng này là tình trạng tăng tính thấm thành mạch, dẫn tới thoát dịch từ lòng mạch ra khoang thứ ba. QKBT là rối loạn có thể tự giới hạn, thường tự khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn, đặc biệt trong chu kỳ có thai. Hội chứng này có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể là triệu chứng nhẹ chỉ cần theo dõi sát tại nhà cho tới tình trạng nặng phải nhập viện và hồi sức. Bệnh nhân QKBT nhẹ có thể theo dõi ngoại trú. Điều trị bao gồm giảm đau đường uống. Nên tránh quan hệ vì có thể gây đau và tăng nguy cơ vỡ buồng trứng. Đối với bệnh nhân ngoại trú, khi QKBT kéo dài và nặng lên cần được theo dõi: • Lượng nước uống mỗi ngày không được ít hơn 1lít; ưu tiên uống các loại nước có điện giải. • Buồng trứng trong trường hợp này lớn, rất dễ xoắn, do đó tránh các hoạt động thể lực gắng sức. Nên hoạt động nhẹ, không cần nằm tuyệt đối trên giường vì như vậy làm tăng nguy cơ huyết khối. • Cần theo dõi cân nặng, số lần và thể tích nước tiểu mỗi ngày. • Trong chu kỳ hỗ trợ sinh sản, cần xem xét việc trữ phôi toàn bộ, chờ đến chu kỳ sau khi các triệu chứng hoàn toàn biến mất. Mặc dù tỉ lệ thai đối với phôi trữ thường thấp hơn phôi tươi, trữ phôi có thể giảm nguy cơ QKBT nặng mà tỉ lệ thai không giảm nhiều. Như vậy, hai vợ chồng đã trữ phôi đông lạnh, mà vợ anh vẫn còn triệu chứng khó chịu, căng tức bụng thì cần đến bệnh viện để bác sĩ khám, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm tổng phân tích máu, chức năng thận, điện giải, protein, albumin...nếu kết quả khám và xét nghiệm cho phép điều trị ngoại trú thì bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn theo dõi tại nhà. Kính chúc vợ chồng anh nhiều sức khỏe, Bác sỹ Thân Ngọc Tuấn