Câu hỏi
Xin chào bác sĩ, Con bị viêm phế quản mãn con nên kiêng những gì?
Bác sĩ tư vấn
BS. Trần Trọng Quý
Chào bạn! Một số món ăn, bài thuốc có ích cho người bệnh viêm phế quản mãn tính bạn tham khảo như sau nhé: Canh phổi heo, hạnh nhân Phổi heo 1 cái, vỏ rễ cây dâu tằm 40 g, hạnh nhân 30 g, gia vị gồm muối, tiêu, bột nêm hoặc bột ngọt, nước mắm. Phổi heo làm sạch, thái miếng nhỏ, vỏ rễ dâu cạo bỏ lớp ngoài, lấy phần trắng ở trong (gọi là tang bạch bì), rửa sạch. Hai thứ cho vào nồi cùng với hạnh nhân và lượng nước thích hợp, đem hầm chín nhừ, nêm gia vị vừa ăn. Chia 2 lần ăn trong ngày. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính có sốt, ho nhiều, khạc đờm nhầy mủ. Nước lê, hạnh nhân Lê 1 trái, lá dâu tằm 10 g, hạnh nhân 10 g, đường phèn 20 g. Lê gọt vỏ, xắt nhỏ, hạnh nhân và đường phèn giã nát. Tất cả cho vào tô lớn, hãm với nước sôi, đậy kín, sau 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính trong thời kỳ tiến triển. Cháo lê, bí đao Lê 6 trái, gạo nếp, bí đao, mỗi thứ 100 g, đường phèn 180 g. Gạo nếp vo sạch, cho vào nồi nấu thành cơm nếp. Lê gọt vỏ, cắt một đoạn ngang cuống làm nắp, dùng dao nhỏ khoét hết hạt lê ra, đem ngâm trong nước để phòng đổi màu. Lê cho vào nước sôi trụng một lát rồi vớt ra, ngâm qua nước nguội rồi để vào bát. Bí đao gọt vỏ, xắt bằng hạt đậu nành. Lấy cơm nếp, bí đao, đường phèn trộn đều rồi nhét vào trong ruột quả lê. Lại cho vào bát lớn, bịt kín, bỏ vào nồi đem chưng khoảng 60 phút đến khi lê chín nhừ là được. Cho vào nồi khoảng 300 g nước sạch, nấu trên lửa lớn cho sôi, cho đường phèn còn thừa vào nấu chảy thành nước đặc, khi lê chưng xong lấy ra xếp lên dĩa, rưới nước đường lên trên. Mỗi lần ăn 1 quả, có thể ăn riêng. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính, ho ra máu. Chú ý người tỳ vị hư hàn và có thấp đàm kỵ dùng. Cao ô mai, mật ong Ô mai 500 g, mật ong 1.000 g. Ô mai bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô. Sau đó vẩy nước sạch lên cho ô mai ướt đều, đập nát lấy phần thịt, dùng nước rửa sạch. Cho ô mai nhục vào nồi, đổ nước sôi vào ngâm 1 giờ. Bắc nồi ô mai lên trên lửa nhỏ, đun 2 giờ, lọc lấy nước, làm như thế 3 lần rồi hợp nước ô mai của 3 lần lại với nhau. Cho nước ấy vào nồi, dùng lửa nhỏ đun đến khi đặc lại thì cho mật ong vào, trộn đều, cô lại thành cao, để nguội cho vào lọ sạch, bảo quản nơi khô ráo. Mỗi ngày uống vào lúc bụng đói. Buổi sáng, tối, mỗi lần 1-2 muỗng cà phê. Thích hợp với các chứng ho lâu ngày, hư nhiệt phiền khát, sốt rét lâu ngày, đi tả kéo dài, kiết lỵ, đại tiện, tiểu ra máu, băng huyết, giun sán. Chú ý người bị thực tà kỵ dùng. Khi ăn uống nên tránh các chất kích thích như các chất cay hoặc không ăn uống quá mặn, đặc biệt nên cai rượu và thuốc lá. Hư chứng thường biểu hiện khó thở, mệt mỏi, tứ chi lạnh, mặt biến sắc, thường dẫn đến thở gấp, mạch nhỏ yếu, khi ăn uống nên kiêng đồ nguội lạnh, các loại rau quả như lê xanh, rau cần v.v… Chúc bạn khỏe! Thân chào bạn!