Câu hỏi
Xin chào Bệnh viện Medlatec, Cháu là Mai Thị Thanh Loan hiện đang sống tại Hà Nội. Cháu có một băn khoăn muốn nhờ các bác sỹ bệnh viện Medlatec tư vấn và hỗ trợ. Cháu có bé hiện nay 21,5 tháng nhưng cháu chưa biết nói, chỉ nói được vài từ như bà, à, ừ. Về mặt vận động cháu nhận thấy bé nhà cháu có vẻ như hiếu động quá mức, lúc nào cũng nghịch gần như không ngồi yên. Cháu vẫn có biểu hiện giao tiếp bằng ánh mắt, vẫn biết thể hiện tình cảm, chỉ tay ngón trỏ, vẫn biết nhận biết các hình ảnh, đồ vật...nhưng cháu có biểu hiện một hình ảnh cháu thích cháu hay chỉ đi chỉ lại nhiều lần để hỏi,vừa hỏi xong lai hỏi lại, hay chạy vòng tròn, hay chống tay chổng mông lên trên, thích ăn chanh chua...Lúc sinh cháu được 2,7kg, 6 tháng mới biết lẫy, 9 tháng biết bò, 13 tháng tập đi...Cháu có đưa bé đi khám ở bv Nhi TƯ thì các Bs có khám và kết luận: bé nhà cháu bị chậm phát triển tâm thần. Cháu muốn nhờ các Bs ở Medlatec tư vấn thêm và phân định giữa tự kỷ và chậm phát triển tâm thần và có thể cho cháu lời khuyên nên đưa bé đi khám và điều trị ở đâu? Vì cháu nghe nói nếu điều trị chậm phát triển tâm thần theo hướng của trẻ tự kỷ thì sẽ ko hiệu quả. Cháu rất mong nhận được hồi âm từ các Bs bệnh viện Medlatec, cháu xin cảm ơn!
Bác sĩ tư vấn
BS. BS Nguyen Thanh
Bạn Mai thân mến, Chậm phát triển tâm thần ở trẻ nhỏ là một nhóm bệnh có đặc điểm chính là sự trì trệ về phát triển tâm thần còn bệnh tự kỷ ở trẻ em là một biểu hiện của rối loạn tâm thần. Bé nhà bạn nhà bạn có chậm nói nhưng lại hiếu động quá mức khác với trẻ tự kỷ là có những biểu hiện lặp lại bất thường khác hẳn với những trẻ khác chứ không bao giờ lại giống các trẻ hiếu động. Trẻ tự kỷ thường không có đáp ứng giao tiếp bằng mắt như con của bạn và rất khó thích nghi với môi trường mới và luôn bị hút chặt vào những đồ vật quen thuộc...nên khi tiếp xúc với hình ảnh mới sẽ không có sự thích thú như bé nhà bạn chỉ đi chỉ lại hình ảnh bé thích nhưng hỏi rồi lại quên là biểu hiện của trí tuệ kém phát triển... Với trẻ chậm phát triển tâm thần thì việc dạy, huấn luyện và giúp đỡ trẻ là rất quan trọng. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, trường học và gia đình nhằm đưa đến cho trẻ sự chăm sóc tối ưu trong nhiều lĩnh vực đã đạt kết quả tốt: + Cha mẹ cần hiểu rõ những điểm mạnh yếu của con để có thể giúp trẻ bộc lộ tât cả những khả năng có thể. + Cha mẹ cần phải có ý thức rằng trẻ đang gặp khó khăn trong thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh. Do đó, cha mẹ cần tạo điều kiện tối đa để trẻ có thể giao tiếp, chơi được với người khác. Cha mẹ nên tìm cách chơi và đối thoại với con. Tạo điều kiện cho những người xung quanh có thể chơi và giao tiếp được với trẻ. + Cần hạn chế để trẻ chơi một mình, nên luôn luôn phải có người chơi với trẻ. Người chơi với trẻ cần phải biết đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ. Bước đầu có thể chơi theo ý của trẻ, để cho trẻ chấp nhận. Sau đó, giúp trẻ chơi theo sự hướng dẫn của chính người lớn để trẻ có thể học được những điều mới. Cũng lưu ý rằng trẻ sẽ học chậm hơn so với các trẻ khác ở những lĩnh vực trong cuộc sống nên cha mẹ cần có sự kiên nhẫn trong việc giảng dạy con. Chúc gia đình luôn mạnh khỏe. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh