Câu hỏi
Xin chào bác sĩ. Sáng nay tôi có làm xn dung nạp đường, thai 29 tuần. Tôi đã có kết quả với các chỉ số trước uống Glucose là 4.5, sau uống 1h là 10.05, sau uống 2h là 9,25. Bác sĩ cho tôi hỏi như vậy là tôi bị tiểu đường thai kì rồi đúng không ạ. Bác sĩ tư vấn giúp tôi mức trên là đã nguy hiểm nhiều hay chưa, và mức bao nhiêu là phải tiêm isulin ạ. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều
Bác sĩ tư vấn
BS. Bs.Thân Ngọc Tuấn
Kính gửi chị Thanh Bình, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trân trọng cảm ơn chị đã đặt câu hỏi cho bệnh viện. Với câu hỏi của chị, bác sỹ tư vấn như sau:ĐTĐ thai kỳ được định nghĩa là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, không loại trừ khả năng họ bị ĐTĐ từ trước nhưng chưa được chẩn đoán. - Các thai phụ có nhưng nguy cơ sau đều được làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết để chẩn đoán: tuổi > 35, béo phì, tiền căn có ĐTĐ thai kỳ, đường niệu (+), có tiền căn gia đình bị ĐTĐ sẽ được tầm soát ĐTĐ ngay. Còn nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ trung bình sẽ thực hiện tầm soát vào tuần lễ thứ 24-28 của thai kỳ. - Chẩn đoán xác định ĐTĐ thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp 75g glucose, làm vào buổi sáng sau khi sản phụ đã nhịn đói trên 8- 9 giờ. Tiến hành đo đường huyết trước và sau 1h và 2h uống glucose. Chẩn đoán ĐTĐ nếu sản phụ có ít nhất 2/3 mẫu xét nghiệm lớn hơn 5,3 mmol/l (đói), 10,0 mmol/l (sau 1h) và 8,6 mmol/l (sau 2h). Tuy nhiên, tiêu chuẩn chẩn đoán này chủ yếu dựa trên ngưỡng đường huyết có khả năng gây ra nguy cơ cho người mẹ mà ít tính đến nguy cơ cho thai nhi. - Theo như kết quả làm nghiệm pháp dung nạp của chị cho thấy: trước uống là 4.5 mmol/l là bình thường, sau uống 1h là 10.05 mmol/l tăng nhẹ so với tiêu chuẩn là 10.0 mmol/l, còn sau 2h là 9.25 tăng cao so với bình thường là dưới 8.6 mmol/l - Còn theo một tiêu chuẩn đã được nghiên cứu và ứng dụng ở một số nước Châu Âu thì theo đó các ngưỡng đường huyết lần lượt là 5,1 mmol/l (đói), 10,0 mmol/l (sau 1h) và 8,5 mmol/l (sau 2h). Ở nước ngoài do chế độ ăn khác và thể trạng khác với người Châu Á và Việt Nam nên tiêu chuẩn của họ khắt khe hơn. Hiện nay ở Việt Nam thì theo hướng dẫn của Bộ Y Tế mình vẫn dựa trên tiêu chuẩn trên. Như vậy, dựa theo tiêu chuẩn Châu Âu và của Việt Nam thì tình trạng của chị là ở mức rối loạn dung nạp đường huyết sau 2h là chính. Cho nên chị không cần quá lo lắng, nếu kết quả siêu âm hiện tại em bé hoàn toàn bình thường về cấu trúc, về bánh rau, nước ối thì chị cần làm lại xét nghiệm dung nạp đường huyết lúc thai 32 tuần tuổi. Khi chị điều chỉnh chế độ ăn mà kiểm tra lại chỉ số nồng độ đường trong máu vẫn tăng sau 2/3 thời điểm thì mới cân nhắc việc dùng thuốc điều trị, cụ thể đối với thai kỳ là dùng insullin. - Bây giờ chị nên thực hiện chế độ ăn thích hợp mà chị cần điểu chỉnh như sau: nên hạn chế các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như sữa đặc, nước ngọt, bánh kẹo... và hạn chế các đồ ăn nếp như xôi, bánh chưng... Khuyến khích ăn các loại carbohydrat hấp thu chậm (đường phức và các chất xơ). Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat vào buổi sáng. Kính chúc chị một thai kỳ khỏe mạnh. Bác sỹ Thân Ngọc Tuấn