Câu hỏi
Xin chào bác sĩ con nhà em gần 3 tuổi cách đây mấy tháng thì ăn rất tốt nhưng sau mấy tháng trở lại đây bé có dấu hiệu ăn kém mặc dù em cũng đã thay đổi khẩu phần bữa ăn.trong bữa ăn bé chỉ ngậm và quay mặt đi .xin hỏi bác sĩ con nhà em như vậy là bị gì ạ
Bác sĩ tư vấn
BS. Phan Văn Nhã
Biếng ăn ở trẻ là tình trạng trẻ nhỏ giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn nên không thu nạp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu cơ thể. Tình trạng biếng ăn kéo dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về tầm vóc của trẻ. Biếng ăn có nhiều mức độ: Trẻ ăn ít hơn so với bình thường, chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn hoặc nặng hơn là từ chối ăn, sợ, nôn ói khi nhìn thấy thức ăn. Có những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biếng ăn ở trẻ như: - Khẩu phần ăn thiếu cân đối hoặc ăn dặm quá sớm - Thay đổi sinh lý hoặc mắc bệnh: Những thay đổi sinh lý của trẻ giữa các giai đoạn biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng,... đều là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, sâu răng,... sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu khi ăn uống nên thường bỏ ăn. Trẻ bị rối loạn chức năng tiêu hóa như loạn khuẩn đường ruột hoặc thiếu men tiêu hóa nên đầy bụng, khó tiêu, hấp thu thức ăn kém nên không có cảm giác muốn ăn, dẫn tới biếng ăn, chậm lớn. - Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) hoặc viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi),... thường ăn ít hoặc bỏ ăn vì không có cảm giác đói, muốn ăn. - Biếng ăn ở trẻ có thể gặp khi bé dùng kháng sinh kéo dài, uống viên sắt, uống vitamin A, vitamin D quá liều. - Thói quen cho trẻ ăn của cha mẹ: Tình trạng biếng ăn ở trẻ có thể đến từ việc món ăn không được chế biến hấp dẫn hoặc lặp lại một vài món ăn hay nguyên liệu nấu ăn với tần suất quá dày. Phụ huynh cho trẻ ăn không có giờ giấc cố định hoặc ăn nhiều quà vặt, bánh kẹo trước bữa ăn. Việc này khiến bé không bao giờ cảm thấy đói nên trẻ sẽ ăn ít hoặc không ăn trong các bữa chính. Cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử,... trong khi ăn khiến bé không tập trung khi ăn, ăn lâu, gây hiện tượng ngang bụng, trẻ không muốn ăn dù chưa ăn được nhiều. Số lượng thức ăn hoặc bữa ăn chưa hợp lý, quá ít hoặc quá nhiều. - Cha mẹ ép trẻ ăn bằng cách đánh mắng, la hét, buộc trẻ ăn hết định mức. Đôi khi lượng thức ăn cha mẹ yêu cầu là quá mức so với sức ăn của trẻ và hậu quả là trẻ sẽ ngậm thức ăn, nôn ói hoặc chống đối. Về lâu dài trẻ sẽ sợ ăn và dẫn tới chứng biếng ăn. Trẻ có thể đột ngột biếng ăn nếu thay đổi môi trường, giờ ăn, nơi ăn, người cho ăn. Nhất là những trẻ phải xa bố mẹ, ông bà,... sẽ bị thay đổi tâm trạng, hờn dỗi và không muốn ăn. Nếu trẻ biếng ăn kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, sinh hoạt của trẻ, bạn cần đưa con đi khám để được đánh giá, tư vấn hoặc làm xét nghiệm cần thiết. Chúc bạn và bé nhiều sức khoẻ